Skip to main content

Người hướng nội có thể trở thành Scrum Master được không?

May 15, 2024

​Tôi nhận được khá nhiều câu hỏi từ các anh chị học viên rằng: “Em là người hướng nội, liệu công việc Scrum Master có phù hợp với em không?”. Hôm nay tôi sẽ thông qua bài blog để trả lời cho câu hỏi này một cách chi tiết. Nếu bạn là người hướng nội, và đang quan tâm đến vai trò Scrum Master, hoặc đang đảm đương công việc này, thì bạn có thể sẽ quan tâm đến bài viết này của tôi.

Nếu bạn chưa chắc chắn liệu “hiện tại” (tôi dùng từ hiện tại, vì thiên hướng này sẽ thay đổi theo thời gian, môi trường, và tuổi tác) mình đang là kiểu người hướng nội, hay hướng ngoại thì bạn có thể thử qua bài test sau trước khi đọc tiếp bài blog: LINK

 

Người hướng nội có thể trở thành Scrum Master được không?
Khác nhau giữa người hướng nội và người hướng ngoại



Hướng Nội, Hướng Ngoại là gì?

Carl Jung là người đầu tiên đề cập đến việc con người có thiên hướng hướng nội và hướng ngoại (Vào năm 1909, Jung chia sẻ về quan điểm này trong bài giảng của ông tại trường đại học Clark, sau đó năm 1921, đã được ông trình bày chi tiết hơn trong quyển sách Psychologische Typen). Theo Jung, tính hướng nội là “thái độ, quan điểm của một người thể hiện thông qua tâm lý chủ quan”, còn hướng ngoại là “thái độ, quan điểm của một người thể hiện tập trung vào đối tượng bên ngoài”. Tâm lý học hiện đại đã kế thừa và xây dựng trên lý thuyết này dù cách ứng dụng cũng có nhiều thay đổi.

Người hướng nội (Introversion): Là người chủ yếu đạt được sự hài lòng từ đời sống tinh thần của chính mình. Bên ngoài người hướng nội thường được xem là dè dặt, và hay suy tư. Sau Carl Jung nhiều nhà tâm lý học đã phân tích và mô tả sâu hơn về người hướng nội là người có xu hướng gia tăng năng lượng tinh thần thông qua việc suy ngẫm và mất năng lượng tinh thần khi tương tác với bên ngoài. Quan điểm này tương đồng với Jung. Trong quyển sách Quiet: The Power of Introverts, tác giả Susan Cain đã phân biệt giữa người hướng nội và tính nhút nhát (còn được gọi là hội chứng “Sợ Bị Xã Hội Phán Xét và Sỉ Nhục”). Hiểu lầm, và đánh đồng hướng nội và sự nhút nhát là hiểu lầm phổ biến, trong đó hướng nội là sở thích tinh thần, còn nhút nhát là biểu hiện của tổn thương tâm lý. Tóm lại người hướng nội thích ở một mình hơn, nhưng họ vẫn có thể tham gia các hoạt động xã hội như một người hướng ngoại, và không sợ như một người nhút nhát.

Người hướng ngoại (Extraversion): Người hướng ngoại là người chủ yếu nhận được sự hài lòng từ bên ngoài. Họ thích tương tác, giao du, và nói nhiều. Người hướng ngoại nhận được năng lượng tinh thần qua việc ở cạnh người khác. Họ có xu hướng làm việc nhóm tốt.

Người hướng nội lẫn ngoại (Introversion-extraversion còn được gọi là Ambiversion): Trong tâm lý học đương đại, các nhà tâm lý học đo lường tính hướng nội và hướng ngoại theo mức độ, tức một cá nhân luôn có tính hướng nội và hướng ngoại nhiều hay ít. Tức là có người hoàn toàn hướng nội, hoàn toàn hướng ngoại, hoặc ở khoảng giữa hướng nội và hướng ngoại - Ambiversion là chỉ người như vậy.



Người Scrum Master giỏi có tính cách như thế nào?

Một Scrum Master như một True leader (“Lãnh đạo chân chính”), trong vai trò như một True leader có hai hình thái mà người Scrum Master phải đảm đương đó là Coach và Facilitating, hai hình thái này đều cần khả năng tương tác, kết nối giữa người với người. Qua đó bạn sẽ nhận thấy ngay, vậy một người có xu hướng hướng ngoại có vẻ là phù hợp với vai trò Scrum Master? Câu trả lời là vừa đúng vừa không đúng. Một số yếu tố công việc của Scrum Master có thể sẽ có phần nào có lợi cho một người hướng ngoại, nhưng không có nghĩa rằng một người hướng nội không thể trở thành một Scrum Master giỏi được.

Như phân tích của tôi ở trên về tính hướng nội, và hướng ngoại. Một người hướng nội hoàn toàn có thể giao tiếp, kết nối với mọi người một cách bình thường, nếu không nói, có những người hướng nội, nhưng là những nhà ngoại giao đại tài nữa. Chỉ khác là sở thích, và cách nạp lại năng lượng khi ở một mình của họ mà thôi. Vậy việc bạn là một Scrum Master nhưng đang có thiên hướng hướng nội, bạn đừng lo lắng, vì nó hoàn toàn không hề ảnh hưởng gì đến vai trò Scrum Master. Ngay chính tôi cũng là một người hướng nội, và cá nhân tôi cảm thấy, nhờ tính hướng nội, tôi có thiên hướng tốt hơn trong suy nghĩ, kèm quan sát, phân tích được nhiều tình huống khác nhau, qua đó giúp cho tôi có thể có được những quyết định tốt. Còn kỹ năng giao tiếp hay cách tương tác với mọi người, bạn có thể học, và trau dồi nó từng ngày.

 


What did you think about this post?